Kết quả 1 đến 3 của 3
-
10-26-2011, 08:59 AM #1
Tớ mê mẩn Hàng Mã và đắm đuối Hàng Hòm!
Và như bao con phố cổ khác, Hàng Mã, Hàng Nón, Hàng Hòm đã tròn 1000 tuổi rồi.
Vậy là chúng ta đã đi gần hết chặng đường trong cuộc hành trình trở về với phố cổ rồi. Hôm nay, không phải là My và Kòi dẫn chúng mình đi, cũng không phải Giang và Linh, mà tất cả chúng tớ đã quyết định cùng nhau đi hết chặng đường này. Và tuyệt vời hơn trong những phút cuối, bạn Heo béo nhà ở tận Bắc Linh Đàm đòi nhập hội. Thế là tất cả chúng tớ lên đường.
Như đã dự định từ trước, chúng mình nhất định phải ghé qua Hàng Mã đã nhé. Không biết các cậu thế nào chứ chúng tớ chưa bao giờ đi qua Hàng Mã mà không ồ à vì cái màu đỏ quá đẹp quá rực chạy thẳng tít tắp dọc 2 bên phố. Các cậu biết không, đây là một trong những con phố cổ ít ỏi của Hà Nội còn giữ lại được mặt hàng truyền thống từ ngày xưa. Trước đây, người Hàng Mã mở cửa hàng bán giấy và đồ hàng mã nhỏ, đồ hàng giấy để trang trí như hoa giấy, đèn giấy các kiểu... và đồ mã để cúng lễ như mũ Thổ thần, mũ ông Táo, vàng giấy... Dần dần, những món hàng trang trí khác đổ bộ về đây, để con phố này trở thành con phố của cả hạnh phúc và tang gia. Nào giấy báo hỉ, nào thiếp cưới, mâm trầu mâm cau trong dịp lễ ăn hỏi. Và đâu chỉ có thế, phố bây giờ quá gần gũi với tuổi chúng mình qua đèn lồng, đèn ông sao và trăm loại đồ chơi khác nữa trong dịp Tết Trung thu. Nếu bạn cần giấy bọc quà hay những thứ lỉnh kỉnh để thỏa mãn thú vui làm đồ handmade, hãy cứ Hàng Mã mà đến nhé. Hihi.
Hàng Mã của ngày xưa đấy các bạn ạ!
Hàng Mã không chỉ nổi tiếng với mặt hàng truyền thống đặc thù mà còn nổi tiếng với kiến trúc đặc sắc là nhà hình ống và nhà chồng diêm. Nhà hình ống với chiều dài, bề rộng có hạn, nhưng người dân ở khu phố cổ này đã sáng tạo nên không gian ở, thờ phụng, nghỉ ngơi, sản xuất và buôn bán hợp lý, vẫn có cả khoảng không để đưa thiên nhiên vào trong nhà. Còn nhà chồng diêm là loại nhà hai tầng không hoàn toàn với gác xép có cửa giả hoặc cửa cỡ nhỏ, hoặc cửa tròn mở ra phố. Loại nhà này ngoài mái ngói nghiêng xuống mặt phố còn có mái tranh vẩy thêm ra hè.
Còn đây là Hàng Mã bây giờ, đông đúc và chật chội. Người ta treo hẳn cả đèn trên dây điện nhé.
Vào ngày Tết Trung thu, nếu đến Hàng Mã, các bạn có bao giờ ước: Giá như nhà mình ở phố cổ? Còn chúng tớ, chúng tớ đã cảm thấy rõ mong ước đó khi nhìn thấy những hình ảnh này. Phố Hàng Mã, không biết sau này có còn được như thế không nhỉ, nhưng chắc chắn có một điều không thay đổi. Đó là Hàng Mã đã sống thật đẹp trong kí ức của thế hệ chúng mình, phải không!
Rời Hàng Mã, chúng tớ chạy vèo sang Hàng Nón. Những tín đồ của shopping ơi, các cậu đã bao giờ đến đây mua sắm chưa?
Khi có ai đó hỏi chúng tớ rằng biết gì về Hàng Nón thì trong đầu tớ hiện ngay ra hình ảnh một khu phố nho nhỏ bày bán mặt hang là mũ nón, như bao khu phố cổ rất đặc trưng khác của Hà Nội. Nghĩ như thế cũng chẳng có gì là sai vì quả thật tên phố được bắt nguồn từ mặt hàng là những chiếc nón thời cổ rộng vành rồi sau này tới nón Chuông, nón Huế…
"Ấy là nghĩ trong đầu như vậy chứ thực trong tớ không có ấn tượng với khu phố này chút nào, thậm chí cũng ko rõ nó nằm chỗ nào trong khu 36 phố cổ. Cho đến mấy năm trở lại đây, phải nói là tớ bị mê mẩn phố Hàng Nón." - bạn Heo thật thà phát biểu.
"Vì sao ư… Vì tớ là một cô gái và như các nàng khác tớ cũng là tín đồ của shopping. Ở Hàng Nón các ấy có thể tìm thấy đủ chủng loại thời trang trẻ trung mẫu mã đa dạng lại rất cập nhật với giá cực kỳ mềm nhé, thích nhất là không phải mặc cả như khu phố Hàng Ngang hay Hàng Đào. Không những chỉ có quần áo đẹp mà còn rất nhiều phụ kiện đi kèm nữa. Nói chung tớ "lạc" ở phố Hàng Nón vài tiếng là chuyện bình thường."
Và quả thật đúng như Heo nói, chúng tớ đã "lạc" ở đây 2 tiếng đồng hồ. Chỉ tội nghiệp Kòi phải ngồi ngáp ngắn ngáp dài ở hàng nước bên cạnh đợi chúng tớ thử đồ. Ngay cạnh các shop thời trang cho teen, lác đác một vài cửa hàng vẫn giữ nghề làm tủ khung nhôm kính, nghe các cụ nói nghề này phát triển từ nghề đóng kệ, chạn bát trước kia.
Điều này cũng dễ hiểu vì Hàng Nón vốn là khu phố "hàng xóm" với Hàng Hòm. Hehe, vì thế chúng tớ kéo anh chàng "mỳ chính cánh" của chúng ta chạy tót sang đó ngắm nghía. Heo béo bảo là đọc sách thấy có ghi rằng xưa kia Hàng Hòm nổi tiếng bán hòm đựng quần áo hay những tráp đựng giấy tờ, bút sách. (Hihi, cái này hật đúng với suy nghĩ của chúng tớ). Sau đó một số gia đình ở thôn Hà Vỹ, Thường Tín ra đây lập nghiệp mang theo nghề sơn. Còn hòm da khoá chuông cho cô dâu về nhà chồng thì mua ở hiệu khách Hàng Buồm. Nghe mà thấy tò mò quá, chỉ muốn lộn lại Hàng Buồm hỏi thăm thôi. Thế nên đến tận bây giờ phố Hàng Hòm vẫn còn rất nhiều cửa hàng bán sơn khu vực giáp với Hàng Nón.
Nếu trong chuyến đi này, Kòi vốn là người ít lên tiếng nhất thì nay cũng góp vui với cả nhóm bằng chi tiết hết sức thú vị. Đấy là ngoài sản xuất đồ gỗ, Hàng Hòm còn nổi tiếng với nghề sơn mài: sơn then, sơn cánh dán có vẽ hoa lá; rồi làm cả câu đối, quả tráp giầu, ngai thờ. Già nửa phố là những nhà làm hòm, chỉ có đôi ba nhà làm đồ sơn mài. Và sau đó, phố sản xuất thêm hàng đồ da cho những người đi xa như va li, cặp da, túi du lịch và lác đác thêm mấy nhà làm khăn xếp, mũ tây và giày vải thêu. Và các bạn biết không, đó là cửa hàng của những gia đình ở bên Hàng Gai, Hàng Trống chạy sang đấy. Hay nhỉ, cứ mỗi khi có người của phố này chạy sang, họ mang theo sản phẩm truyền thống của phố cũ sang bán ở phố mới, làm thay đổi ít nhiều đặc trưng của phố mới ấy. Thế là coi như những thắc mắc và suy nghĩ của chúng tớ ở phố Hàng Bồ là hoàn toàn có lý nhé.
Nhưng có một đặc điểm của con phố này khiến chúng tớ - những "chuyên gia hay đói bụng bất thình lình" đắm đuối hơn cả. Ấy là khi mặt trời tắt nắng và thành phố lên đèn. Ấy là lúc những quán vỉa hè - một nét rất riêng không lẫn đi đâu được của Hà Nội hoạt động.
Ngay đầu Hàng Hòm các ấy có thể ăn một bát xôi cho chắc bụng, vừa hít hà mùi bún thang thơm lựng. "Riêng tớ lại khoái phở gà Hàng Hòm nhé. Quán nào cũng được, nước dùng đều ngọt lịm, phở mềm ngon cứ gọi là hết chê." - Heo béo lại được đà lên tiếng.
Và như bao con phố cổ khác, Hàng Mã, Hàng Nón, Hàng Hòm đã tròn 1000 tuổi rồi. Phố xá đã bắt đầu lên đèn từ lúc nào. Trong ánh chiều vàng lấp lánh, những cô bé cậu bé vẫn tiếp tục nắm tay nhau đi về phía Hàng Chiếu, chợ Đồng Xuân với những nụ cười tươi rói trên môi. Bởi đơn giản họ hiểu rằng họ đang cùng nhau làm một việc hết sức có ý nghĩa đối với chính mình. Hành trình của chúng tớ tìm về với văn hóa phố cổ đã khép lại, thật thân thương, thật vui và cũng đầy nuối tiếc. Nuối tiếc lắm vì chưa thể khám phá hết lịch sử và văn hóa phố, càng đi càng thấy mình chẳng biết gì về Hà Nội. Như thế có nghĩa là mình đang "nhớn", đúng không! Nhưng có một điều không bao giờ kết thúc, đó là tình bạn của chúng tớ, các bạn ạ. Ngay ngày mai thôi, chúng tớ sẽ lại hẹn nhau 7h30 sáng ở phở Thìn Bờ Hồ, hoặc cũng có thể hẹn nhau nem phùng bia cỏ ở Tạ Hiện, để lại được thấy nhau cười và nghe nhau kể chuyện về Hà Nội.
Giờ thì chúng tớ đã hiểu vì sao càng ngày càng thấy Hà Nội đẹp biết bao!
-
11-09-2011, 01:29 PM #2
Tớ cũng mê
Tớ mê cả 36 phố phường
-
11-18-2011, 01:59 PM #3
Đánh dấu