Kết quả 1 đến 9 của 9
-
01-19-2012, 09:43 PM #1
Kiên Giang - Những địa điểm du lịch tuyệt vời
1. Hòn Sơn
Trên nền xanh thẩm của đại dương, Hòn Sơn (hòn Sơn Rái) hiện lên như một quả núi khổng lồ, nằm giữa Hòn Tre và quần đảo Nam Du, cách đất liền khoảng 60 km. Từ năm 1983, hòn đảo duyên dáng này được mang tên là Lại Sơn, một trong 4 xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Muốn đến Hòn Sơn, du khách có thể mua vé tàu (tàu hàng, chưa có tàu cao tốc) và khởi hành từ bến Rạch Giá mỗi ngày một chuyến lúc 9 giờ 30. Trên đường ra khơi, tàu sẽ ghé qua Hòn Tre độ 15 phút để rước khách rồi lại chạy tiếp đến 12 giờ 30 là tới bãi Nhà, trung tâm của xã đảo Lại Sơn.
Vào những ngày trời đẹp, mây quang, Hòn Sơn nhìn từ xa trông như một viên ngọc lấp lánh, gồm 7 đỉnh nhấp nhô. Càng đến gần, màu xanh của đảo càng cuốn hút mọi người vì quanh đảo được bao phủ bởi những rặng dừa xanh ngun ngút, tạo thành một cảnh sắc quê hương êm đềm và thơ mộng. Dọc theo bờ biển là làng chài, tàu ghe tấp nập, không khí vô cùng nhộn nhịp. Đứng từ trên bờ nhìn ra, ai cũng say mê ngắm nhìn những hòn đá to nhỏ, chồng chất lên nhau, tạo thành những dáng vẻ kỳ thú. Hấp dẫn nhất là tại bãi Thiên Tuế, gần đền Nam Hải nổi lên nhiều tảng đá sừng sững cùng với muôn hình vạn trạng những viên đá cuội, hình dáng lạ lẫm, tạo cho du khách có một cảm giác lâng lâng khó tả. Đa số du khách đến Hòn Sơn đều thích khám phá đồi Ma Thiên Lãnh, nơi có độ cao 450 m. Có người lại thích ngâm mình trong những dòng nước mát từ các bãi tắm thiên nhiên trong lành hoặc thưởng thức nhiều loại trái cây ngon ngọt như xoài, mít, đu đủ, đặc biệt là nước dừa tinh khiết.
Có thể nói, Hòn Sơn là nơi tập trung nhiều bãi tắm quyến rũ và thơ mộng so với Hòn Tre, Hòn Ngang và Hòn Củ Tron thuộc huyện đảo Kiên Hải. Hòn Sơn có 5 bãi biển tự nhiên dành cho các làng chài, mỗi bãi mang một vẻ đẹp riêng. Bãi Nhà sầm uất, tàu ghe tấp nập; bãi Thiên Tuế mông lung, mờ ảo, đẹp như tranh. Tại đây có đình thần Nam Hải vừa xây dựng mới trông vẻ uy nghi - nơi gắn liền với những huyền thoại của cư dân vùng biển đảo. Đẹp nhất là bãi Bàng uốn lượn như một vòng cung, màu nước trong xanh, ngày đêm sóng vỗ rì rào, phong cảnh vô cùng quyến rũ. Nếu có thời gian, mọi người sẽ leo núi, khám phá nhiều ngọn đồi còn nét hoang sơ, thiên tạo. Ông Hai Xương, một cư dân cố cựu ở đây cho biết, Hòn Sơn hiện còn nhiều gốc cổ thụ quý giá, nhiều loại thú rừng hoang dã như trăn, khỉ, kỳ đà, chim, sóc... Nằm trong khu vực tam giác Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc, Hòn Sơn giống như một thị tứ ngoài khơi, bốn mùa thuyền buôn và tàu đánh bắt tới lui tấp nập. Các mặt hàng nổi tiếng ở đây là tôm, mực, cá, khô, nước mắm, trái cây.
Đến với Hòn Sơn, ngoài việc tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá, du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn dân dã, những món ngon từ biển như sò, ốc nướng, cá ba thú chiên tươi, mực nướng, cá rìa canh chua, gỏi cá trích cuốn bánh tráng, chấm nước mắm hòn chánh hiệu Hòn Sơn, một trong những đặc sản nổi tiếng mà nhiều người đã ca tụng: “Nước mắm hòn dầm con cá bẹ. Bởi mê nước mắm hòn, em trốn mẹ theo anh”. Có đến Hòn Sơn hoặc Hòn Tre, Hòn Củ Tron... chúng ta mới thấy hết cảnh sắc nên thơ và sự kết hợp hài hòa giữa biển - đảo với những giá trị nhân văn gắn liền với lịch sử, văn hóa của một vùng đất, đặc biệt là những truyền thuyết và những giai thoại dân gian được thể hiện qua các lễ hội nghinh ông, lễ cúng bà Chúa Hòn hoặc ngày giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực.Lần sửa cuối bởi hangnt, ngày 01-19-2012 lúc 10:03 PM.
-
01-19-2012, 09:46 PM #2
2. U Minh Hạ
Vườn quốc gia U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau. Địa giới hành chính nằm trên hai huyện U Minh và Trần Văn Thời. Được thành lập theo quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 20 tháng 1 năm 2006 của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trên cơ sở nâng cấp khu bảo tồn thiên nhiên Vồ Dơi. Đây là khu vực có hệ động thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước trên lớp than bùn do xác thực vật tích tụ lâu năm tạo thành. Thực vật đặc hữu ở đây là các loài: tràm, móp, trảng năn, sậy ... Động vật đặc trưng là: rái cá lông mũi, tê tê, nai, khỉ đuôi dài, lợn rừng, rùa, rắn, trăn, các loại cá nước ngọt, chim, côn trùng...Đây là một trong hai vườn quốc gia tại tỉnh Cà Mau, Việt Nam. Ngày 26 tháng 5 năm 2009, cùng với Cù Lao Chàm - Quảng nam, vườn quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.Lần sửa cuối bởi hangnt, ngày 01-19-2012 lúc 10:04 PM.
-
01-19-2012, 09:48 PM #3
3. U Minh Thượng
Vườn quốc gia U Minh Thượng là một vườn quốc gia của Việt Nam, được nâng cấp từ khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng lên thành vườn quốc gia theo Quyết định số 11/2002/QĐ-TTg ngày 14 tháng 1 năm 2002 của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Sông Trẹm chia U Minh thành hai vùng thượng và hạ. U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau, U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang.
Rừng U Minh (U Minh Thượng và U Minh Hạ) là kiểu rừng rất đặc thù, được xếp hạng độc đáo và quí hiếm trên thế giới.
Do nhiều nguyên nhân tác động, rừng tập trung ở U Minh Thượng nhiều hơn và loại rừng nguyên sinh chiếm phần lớn ở đây. Rừng U Minh Thượng được công nhận là vườn quốc gia vào tháng 1 năm 2002, với diện tích 8.053 hécta. Rừng nằm trong địa giới của các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang, thuộc vùng bán đảo Cà Mau. Vườn quốc gia U Minh Thượng nằm trong địa giới của huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang
Tiền thân của rừng U Minh Thượng là rừng úng phèn U Minh, vốn được người bản địa đặt tên từ lâu đời là “Hồ rừng”, hình thành tập trung ở phía Tây bán đảo Cà Mau, tiếp giáp với dải rừng ngập mặn ven biển vịnh Thái Lan, trên địa bàn hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Diện tích rừng vào những năm trước 1950 là khoảng 400.000 ha, đến năm 1970 còn gần 200.000 ha và ở thời điểm 1990 còn khoảng 100.000 ha. U Minh là kiểu rừng đặc thù được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới.
Thời chiến tranh, chính quyền Việt Nam Cộng Hoà chia rừng U Minh thành hai khu vực: phần phía trên gọi là U MinhThượng thuộc tỉnh Kiên Giang; phần dưới gọi là U Minh Hạ, thuộc tỉnh Cà Mau; hai cánh rừng ngăn cách với nhau bởi dòng sông Trẹm. Do nhiều nguyên nhân tác động diễn biến, rừng tập trung ở U Minh Thượng nhiều hơn và loại rừng nguyên sinh chiếm phần lớn ở đây, rất xứng đáng là một vườn quốc gia với giá trị độc nhất về kiểu rừng úng phèn của Việt Nam và của thế giới.
Số liệu điều tra kiểm kê rừng năm 1995 cho biết rừng có giá trị bảo tồn thiên nhiên ở U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau là 4.200 ha (tập trung ở khu vực Vồ Dơi), và Khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang có diện tích rừng là 8.053 ha. Ngày 14-01-2002, Chính phủ Việt Nam ra Quyết định số 11/2002/QĐ-TTg chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng thành Vườn quốc gia U Minh Thượng. Diện tích của rừng Quốc Gia U Minh Thượng theo quyết định số 11/2002/QĐ - TTg ngày 14-01-2002 của Thủ tướng chính phủ là 21.107 ha trong đó: Vùng lõi - 8.038 ha và Vùng đệm 13.069 ha. Vùng đệm của rừng có khá nhiều hộ dân sinh sống, làm ruộng, trồng rẫy, nhận khoán trồng và giữ rừng cho nhà nước.
Ngày nay, vườn quốc gia U Minh Thượng đang được đầu tư, phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn các nguồn giống, gen sinh học quý hiếm, đồng thời đã và đang thực hiện dự án phát triển du lịch sinh thái và truyền thống. Đến U Minh Thượng,du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành cùng với không gian khoáng đãng, tha hồ nhìn ngắm chim muông, thú rừng, và các loài động thực vật. Nhiều địa chỉ để các bạn tham quan như mảng chim, mảng dơi quạ, tràm nguyên sinh, quần thể heo rừng, rái cá, kỳ đà, và đặc biệt là khu giải trí câu cá Hồ Hoa Mai...Lần sửa cuối bởi hangnt, ngày 01-19-2012 lúc 10:04 PM.
-
01-19-2012, 09:49 PM #4
4. Bến tàu Rạch Giá - Phú Quốc
Du khách có thể đến với Phú Quốc bằng đường biển từ khắp nơi trên thế giới thông qua các hãng tàu hoặc tour du lịch quốc tế. Nếu theo tuyến nội địa, bến tàu biển tại Thị xã Rạch Giá và Hòn Chông theo hai tuyến: Rạch Giá - Phú Quốc, Hòn Chông - Phú Quốc.
Với các tàu cao tốc du lịch, cánh ngầm, có ghế nệm ngồi trong khoan, có máy lạnh, thời gian từ Rạch Giá đến Phú Quốc mất từ 2,5 giờ – 3 giờ; nếu xuất bến từ Hòn Chông (Hà Tiên) thì chỉ mất 1giờ – 1giờ 15 phút là đến Phú Quốc. Có nhiều hãng tàu hoạt động trong ngày nhưng du khách cần đăng ký lấy vé trước. (Xem bảng giờ tàu chạy)
Trường hợp du khách có nhiều hành lý hoặc muốn thong dong ngắm nhìn biển cả mênh mông thi có thể đi bằng tàu sắt, giá vé rẻ hơn, có thể thuê võng nằm đong đưa trên boong tàu, thời gian tàu chạy từ Rạch Giá đến Phú Quốc mất 7 giờ – 8 giờ.
- Tàu sắt Phú Quốc: Rạch Giá – An Thới chạy mỗi ngày vào lúc 9 giờ sáng. Giá vé: 36.000 VNĐ.
- Tàu gỗ: Từ Hà Tiên đến Hàm Ninh (Bãi Thơm, Rạch Tràm, Gành Dầu) mỗi ngày vào lúc 8 giờ 30 phút sáng. Giá vé: 43.000 VNĐ.Lần sửa cuối bởi hangnt, ngày 01-19-2012 lúc 10:04 PM.
-
01-19-2012, 09:51 PM #5
5. Bãi Khem
Vị trí: Nằm ở phía nam đảo Phú Quốc, cách Dương Đông 25km, cách cảng An Thới 5km. Đặc điểm: Là bãi tắm đẹp, nổi tiếng cát trắng và mịn như bột.
Bãi Khem, chen lẫn những bãi cát thỉnh thoảng nhô ra biển là những ghềnh đá nhấp nhô. Bãi Khem mang hình vòng cung với một viền cát trắng nổi bật giữa màu xanh cây rừng và biển khơi lồng lộng. Du khách tới đây có thể tắm biển, câu cá, bắt ốc và nổi lửa để thưởng thức các đặc sản này.Lần sửa cuối bởi hangnt, ngày 01-19-2012 lúc 10:04 PM.
-
01-19-2012, 09:52 PM #6
6. Hà Tiên
Hà Tiên là thị xã nhỏ nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Kiên Giang. Bắc giáp Campuchia, đường biên giới dài 13,7 km, Đông và Nam giáp huyện Kiên Lương, Tây giáp vịnh Thái Lan với đường bờ biển dài 22 km.
Được khai mở vào đầu thế kỉ thứ 17, cách tỉnh lỵ Kiên Giang 93 km, Hà Tiên từ lâu đã nổi tiếng có nhiều thắng cảnh đẹp, thu hút nhiều lượt khách tham quan. Không ai nhớ chính xác tên gọi này có từ bao giờ. Chỉ biết Hà Tiên xưa kia thuộc vùng đất Mang Khảm (tục danh Trấn Phiên thành, còn gọi là Đồng Trụ trấn). Tương truyền rằng, ngày xưa vì mến cảnh trần gian nơi đây có nhiều cảnh đẹp, non nước hữu tình, tiên nữ thường xuất hiện trên sông Giang Thành nên Mạc Cửu đặt tên là Hà Tiên.
Năm 1679, Mạc Cửu (quê quán Lôi Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) vì bất mãn với chế độ nhà Thanh, lưu lạc đến vùng đất Hà Tiên, chiêu tập lưu dân lập nên xứ Hà Tiên. Năm Hiển Tông đời thứ 7, nghe lời mưu sĩ Tô Quân cùng các thuộc hạ Trường Cầu, Lý Xá dâng biểu cầu thân với nhà Nguyễn. Kể từ ngày đó, Hà Tiên trở thành mảnh đất cuối cùng của đất Việt về hướng Tây Nam.
Hà Tiên vào thời Mạc Cửu, là một mắt xích quan trọng ở phía đông vịnh Thái Lan, trên tuyến hàng hải thương mại châu Á qua vịnh Thái Lan, men theo bờ biển Đông Việt Nam lên Quảng Châu, Trung Quốc hay Luzon, Philippin. Thời kỳ cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích (1706-1780) cai quản vùng đất này, đã áp dụng một chính sánh tự do và coi trọng thương mại. Mạc Thiên Tích mở cảng cho tàu buôn nước ngoài buôn bán tự do. Hà Tiên trở thành điểm đến của các đoàn thương thuyền từ bán đảo Mã Lai, Sumatra, Java, Siam, Ấn Độ, Miến Điện, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam,... Vào các dịp sinh nhật Mạc Thiên Tích (12 tháng chạp âm lịch), các thuyền buôn được phép vào cảng Hà Tiên miễn thuế. Từ lâu đời, nghề chế sáp trắng (bạch lạp) để thắp sáng là một nghề truyền thống ở Hà Tiên, cung cấp cho các nước lân cận như Trung Quốc, Siam, Mã Lai,... Ngoài ra đất này còn có nhiều sản vật thương mại khác nữa, Lê Quý Đôn từng viết trong Phủ biên tạp lục: " ...Huyền phách sản ở trấn Hà Tiên, có khối lượng như đồng, sắc đen như sắt, người ta nói dùng nó có thể lánh được gió độc, tiện làm tràng hạt..."Lần sửa cuối bởi hangnt, ngày 01-19-2012 lúc 10:04 PM.
-
01-19-2012, 09:53 PM #7
7. Chùa Phật Đà
Người có công kế vị và đẩy mạnh sinh hoạt tu học chùa Phật Đà hưng thịnh trong những năm cuối cùng của thế kỷ thứ 20 là TT Thích Minh Hiền, ủy viên Ban Hoằng pháp (HP) Trung Ương.
Thầy về đây trụ trì vào đầu tháng 12.1980, cũng là dịp ngôi Tam bảo này trùng tu lần thứ hai dưới sự cố vấn của H.T Ngộ ChânTử, Viện chủ chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn). Giai đoạn 1980-1991, vì quyết tâm tu học cho sáng đạo nên Thầy Minh Hiền hạn chế tiếp xúc với mọi người để có thời gian chuyên tu nhiều hơn. Vào năm 1989, được sự tín nhiệm của Ban HP Thành hội và Ban HP TU - Thầy bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp Tổ sư Thiền tại trường hạ các quận huyện và các tỉnh : Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau.
Từ đó đến nay công tác của thầy vẫn đều đặn, nhất là ở huyện Củ Chi, Đạo tràng chuyên tu Tổ sư Thiền luôn phát triển với nhiều tín hiệu lạc quan. Năm 1998, được sự quan tâm giúp đở của các cấp Giáo hội, chính quyền địa phương, cùng tinh thần hoan hỷ phát tâm của Phật tử xa gần, vì thế lần đại trùng tu ngôi Tam bảo lần thứ 3 được thành tựu viên măn với kinh phí là 750 triệu đồng, diện tích 250m2 gồm chánh điện, Thiền đường và 4 căn phòng chư Tăng.
Hiện nay lịch sinh hoạt tu học Tổ sư Thiền hàng tháng được tổ chức từ ngày 21- 27 âm lịch. Vào mỗi tối mùng 1, Thầy trụ trì có buổi thuyết giảng giáo lý để hướng dẫn Phật tử tu học. Tóm lại, từ khi chùa Phật Đà thành lập vào nam 1962 do cụ Lê Đình Nguyên, Phật tử địa phương chủ trương vận động mọi người ủng hộ xây dựng. Đến năm 1963, TT Thích Thông Lỉễu trụ trì (hiện đang ở Nhật). Năm 1970, được sự cúng dường của cụ Trần Văn Thoại, chùa trùng tu lần thứ 2 với vật liệu nhẹ. Vào thời điểm đó, Thầy Tâm Tịnh trụ trì. Trải qua những biến thiên của cuộc sống, ngôi Tam bảo Phật Đà giờ đây đã uy nghi hoàn chỉnh với sự hộ trì của 13 vị Tăng.Lần sửa cuối bởi hangnt, ngày 01-19-2012 lúc 10:04 PM.
-
01-19-2012, 09:56 PM #8
8. Chùa Phước Long
Ngôi chùa ở ấp 5, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, theo hệ phái Bắc tông
Chùa do thượng tọa Thích Đại Thọ đứng ra chủ trì xây dựng vào năm 1970, trên nền đất của gia đình cư sĩ Thiện Huy (thế danh Lê Phước Thiện). Thầy Đại Thọ cũng là vị trụ trì đầu tiên của chùa. Trong thời gian trụ trì của ngài, chùa Phước Long có khoảng trên 20 tu sĩ tu học trong chùa. Sau năm 1975, thượng tọa Đại Thọ trở về quê nhà tại An Giang và viên tịch vào năm 1980. Kế vị trụ trì là cư sĩ Thiện Huy.
Cư sĩ Thiện Huy sinh năm 1927 tại xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng. Ông tham gia kháng chiến tại địa phương trong những năm 1952 - 1954. Năm 1969, ông theo học Phật pháp tại Viện Hoá Đạo (Sài Gòn) nhưng không xuất gia. Năm 1970, sau khi góp phần xây dựng chùa Phước Long, cư sĩ ở lại chùa học đạo và bí mật hoạt động cách mạng. Sau khi thượng tọa Đại Thọ trở về quê nhà, cư sĩ Thiện Huy một mình chăm lo việc Phật sự chùa Phước Long. Hiện nay, ngoài hoạt động Phật sự, cư sĩ còn tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội của địa phương.Lần sửa cuối bởi hieutt, ngày 01-19-2012 lúc 10:04 PM.
-
01-19-2012, 09:56 PM #9
9. Sân bay Rạch Giá
Cảng hàng không Rạch Giá thuộc địa phận phường Vĩnh Lợi, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, ở cách trung tâm thành phố Rạch Giá 7km về phía Nam, cách chợ Rạch Sỏi 1km về phía đông; phía đông và phía Tây nam Cảng hàng không là ruộng lúa ao hồ, phía Bắc giáp quốc lộ 80
Sân bay Rạch Giá nằm ở thành phố Rạch Giá, tỉnh lỵ của tỉnh Kiên Giang, cực tây nam Việt Nam, thuộc sự quản lý của Cụm cảng Hàng không miền Nam (SAA), một cơ quan của Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam.
Cảng hàng không Rạch Giá hiện có một đường hạ cất cánh dài 1.500 mét, rộng 30 mét; Một đường lăn dài 85 mét, rộng 15 mét; Sân đậu máy bay có diện tích 5.500m2 với 5 vị trí đậu cho máy bay; Sân đậu ôtô có diện tích 2.356m2. Nhà ga hành khách có diện tích 426m2. Trang thiết bị phục vụ mặt đất có xe Nạp điện tàu bay, xe chở khách, xe chở hàng, xe cứu thương, xe cứu hỏa.Lần sửa cuối bởi hieutt, ngày 01-19-2012 lúc 10:04 PM.
Facebook comments
Các Chủ đề tương tự
-
Đắm mình trong nét đẹp quyến rũ Lệ Giang - Le Giang - Trung Quốc
Bởi khoan_gieng trong diễn đàn Nhật ký các chuyến điTrả lời: 10Bài viết cuối: 10-01-2013, 09:31 AM -
Nhà bảo tàng tỉnh An Giang (Long Xuyên, An Giang) - nha bao tang tinh an giang
Bởi thietht trong diễn đàn Miền NamTrả lời: 1Bài viết cuối: 03-12-2012, 06:01 PM -
Chùa Ông Bắc (An Giang) - chua ong bac an giang
Bởi hoanguyen trong diễn đàn Miền NamTrả lời: 2Bài viết cuối: 03-09-2012, 02:06 PM -
Lễ hội nhảy lửa tuyệt đẹp của người Pà Thẻn tại Hà Giang - le hoi nhay lua Ha Giang
Bởi tuisach trong diễn đàn Miền BắcTrả lời: 0Bài viết cuối: 12-06-2011, 12:07 PM -
Độc đáo cuộc thi chọi dê Hà Giang - choi de ha giang
Bởi yeuhanoi trong diễn đàn Tin tức du lịchTrả lời: 0Bài viết cuối: 11-17-2011, 11:57 AM
Đánh dấu