Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về công tác du lịch của Hà Nội, đồng thời đưa ra định hướng trong những năm tới.

Quá thiếu các khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng quy mô lớn

Theo số liệu thống kê, lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng bình quân 15,2%/năm và đến từ hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung vào một số thị trường trọng điểm gồm Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Asean… Lượng khách nội địa đến Hà Nội tăng 14,5%. Thu nhập xã hội từ du lịch tăng bình quân 14,5%/năm.



Năm 2010, Thủ đô Hà Nội đã được tạp chí Du lịch trực tuyến Smar Travel Asia bình chọn là một trong mười điểm du lịch hấp dẫn châu Á.

Tuy nhiên, du lịch Hà Nội vẫn còn những yếu điểm nên chưa thu hẹp được khoảng cách được với các nước trong khu vực và trên thế giới về dịch vụ du lịch.

Sản phẩm du lịch của Hà Nội chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, chưa được đầu tư đúng mức và chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thủ đô, đặc biệt là du lịch văn hóa, làng nghề, làng cổ. Hà Nội còn thiếu các khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần quy mô lớn, hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách du lịch. Dịch vụ du lịch của Hà Nội chưa tương xứng với vị thế, chất lượng chưa thật sự đảm bảo nên chưa thu hút được sự quay lại của du khách. Thêm vào đó, sự thiếu chuyên nghiệp cũng như tương đối tùy tiện của các điểm du lịch như nạn chèo kéo khách, "vây" khách... cũng khiến không ít du khách khó chịu và để lại ấn tượng không tốt.

Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ ở nhiều điểm du lịch và công tác hướng dẫn du lịch tại nhiều điểm của Hà Nội còn hạn chế; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước chưa đáp ứng được yêu cầu; vấn đề môi trường, tình hình trật tự tại các điểm du lịch chưa đảm bảo; công tác quản lý nhà nước về du lịch hiệu quả chưa cao, sự phối hợp liên ngành, liên vùng của Hà Nội với các địa phương trong nước và quốc tế còn hạn chế.

Cần tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, Hà Nội cần tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với 3 đối tượng là khách nước ngoài đến Hà Nội, khách nước ngoài sinh sống tại Hà Nội và khách nội địa.

Cùng với đó, Hà Nội cũng cần có những chính sách thu hút phát triển đầu tư hạ tầng, nguồn nhân lực.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, Hà Nội sẽ phải xây dựng chiến lược phát triển du lịch của Thủ đô đến năm 2020 tầm nhìn tới 2030, bao gồm định hướng phát triển, cơ chế chính sách, đặc biệt xác định những khâu đột phá để Hà Nội trở thành trung tâm du lịch lớn của quốc gia. Trên cơ sở chiến lược lâu dài đó sẽ xây dựng quy hoạch phát triển các giai đoạn ngắn, quy hoạch chi tiết cụ thể từng địa danh; xây dựng cơ chế chính sách, thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đa dạng hóa các hoạt động du lịch… Đồng thời cũng phải chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ quản lý; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch vào các thị trường tiềm năng và tăng cường liên kết phát triển du lịch với các điểm đến du lịch của các tỉnh thành trong cả nước...

Mục tiêu và nhiệm vụ phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2011-2015 là xây dựng Hà Nội thành trung tâm du lịch hấp dẫn của cả nước và khu vực, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Trong đó phấn đấu đến năm 2015 sẽ đón 2 triệu lượt khách quốc tế và 14 triệu lượt khách nội địa.