Nạn mua bán nhà rường cổ đang là một con đường dẫn đến chảy máu nhà rường cổ ở Huế. Thậm chí người ta còn rao bán công khai trên mạng nhưng không có cách gì ngăn chặn.

Hơn 5 năm trở lại đây đã có hơn 100 ngôi nhà rường bị xóa sổ, bởi nạn thu mua nhà rường cổ và hư hỏng không có khả năng tu sửa…

Chúng tôi ghé nhà ông Nguyễn Ngọc Trinh, 82 tuổi, số nhà 46 Phú Mộng, phường Kim Long, thành phố Huế, đây là chủ nhân của ngôi nhà rường, vườn có diện tích lên đến hơn 4.000m2, bên trong nhà được trang trí theo kiểu nhà rường cổ cách đây hơn 100 năm. Ông Trinh chua xót: “Ngó rứa đó chú nờ, chứ trời mưa xuống là ướt lênh láng cả nhà, khổ lắm, cũng muốn sửa chữa, xây lại nhà mới nhưng không dám sửa. UBND phường bảo kê khai tài sản, làm đề xuất hỗ trợ mình cũng có làm, nhưng hai năm rồi chẳng thấy được hỗ trợ chi cả.

Nhà rường có nguy cơ mất trắng

Để cứu tình cảnh này, năm 2002, UBND thành phố Huế đã trình UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề án bảo tồn, phát huy nhà rường, trong đó đề xuất bảo tồn 150 nhà rường cổ tiêu biểu còn nguyên vẹn lúc đó. Tuy nhiên, mãi đến tháng 11.2009, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mới ban hành quyết định quy định một số chính sách quản lý và bảo vệ nhà rường Huế.


Cụ thể: Khi trùng tu, tôn tạo nhà được hỗ trợ 100% chi phí khảo sát, thiết kế trùng tu; được hỗ trợ 70% kinh phí trùng tu, tôn tạo nhà, nhưng không vượt quá 100 triệu đồng một nhà.... Tuy nhiên, đến nay nhiều hộ có nhà rường đã nộp hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí để trùng tu bảo vệ nhà rường vẫn bị im lặng từ cơ quan chức năng.

Ông Cao Minh Sơn - Phó Chủ tịch UBND phường Kim Long, cho biết: “Dự án đã triển khai năm 2009, nhưng có cái khó là chính sách không phù hợp. Vì thành phố không quan tâm nên đến bây giờ dân vẫn chưa nhận được hỗ trợ. UBND phường 2 lần đề xuất lên thành phố, nhưng không thấy hồi âm, nên xảy ra tình trạng các hộ dân ồ ạt bê tông hóa, xây nhà hiện đại làm phá vỡ cảnh quan nhà rường Huế”.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan cho biết: Huế đang lưu giữ hàng trăm nhà rường, trong đó có hơn 50 ngôi nhà được xem là di sản có một không hai của nhân loại. Kiến trúc nhà rường phản ánh cho văn minh văn hoá cố đô Huế thế kỷ thứ 19. Nếu không sớm lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận và hỗ trợ trùng tu, tôn tạo thì kiến trúc độc đáo này có thể bị mất trắng.

Phố cổ dần lụi tàn…

Trong khi đó phố cổ Bao Vinh thuộc xã Hương Vinh huyện Hương Trà vốn lưu giữ khu phố cổ nằm ven sông, với kiến trúc nhà cổ độc đáo. Tuy nhiên, trải qua hơn 2 thế kỷ tồn tại, những ngôi nhà cổ bị mục nát và mất dần theo thời gian. Từ năm 1991, thời điểm UBND tỉnh khảo sát và quy hoạch khu phố cổ Bao Vinh, ở đây còn 39 ngôi nhà cổ. Tuy nhiên, đến năm 2003, khi UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt Quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy đô thị phố cổ Bao Vinh, số nhà cổ này tiếp tục bị “bốc hơi” chỉ còn lại 17 nhà. Đến nay, phố cổ Bao Vinh chỉ còn vỏn vẹn 15 ngôi nhà cổ.

Ông Nguyễn Thanh Huy, Phó chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho biết, nguyên nhân của những ngôi nhà cổ Bao Vinh dần biến mất vì nó đã tồn tại hàng trăm năm và nay đã dần bị xuống cấp trầm trọng. Phố cổ bây giờ như một Quy hoạch treo, dự án thì nửa vời, dân ở thì sợ nhà sập, mà sửa chữa thì không được vì vướng quy hoạch.

Cũng theo ông Huy, những ngôi nhà cổ này sẽ được bảo tồn nhằm phát huy giá trị của kiến trúc nhà cổ truyền thống ở Huế, cũng như đưa vào khai thác du lịch. Tuy nhiên, khi dự án chưa kịp triển khai thì năm 1996 có 11 ngôi nhà cổ bị biến mất và thay vào đó là những ngôi nhà xây mới. Năm 2003, dự án “Quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy đô thị phố cổ Bao Vinh” chưa kịp thực hiện thì những ngôi nhà cổ này tiếp tục bị “bốc hơi”, chỉ còn lại 17 căn. Đến nay, toàn bộ khu phố cổ Bao Vinh chỉ còn vỏn vẹn 15 ngôi nhà cổ.