Đây là một tấm Bản đồ VN có một không hai, thể hiện tình yêu Tổ quốc của một công dân trên cao nguyên Lâm Viên. Ông là Nguyễn Văn Minh - 61 tuổi, nhà ở số 4 Yên Thế, phường 10, thành phố Đà Lạt - một con người niềm nở, cởi mở và mến khách.

Mỗi tỉnh thành một viên đá

Quê ông ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, ông vào công tác ở TP Hồ Chí Minh. Năm 1976 về làm Hạt trưởng kiểm lâm, rồi làm Chủ tịch huyện Đơn Dương, làm Giám đốc Sở Nông - lâm - thủy Lâm Đồng. Năm 2004 ông nghỉ hưu.
Từ năm 1992, trong các dịp đi công tác, tham quan, về quê, thăm bạn bè…, ông Minh đã nảy ra ý định sưu tập đá để từ đó làm ra tấm bản đồ Tổ quốc. Ông Minh sưu tập đá không theo lĩnh vực địa chất mà theo địa giới hành chính các tỉnh, thành phố trong nước.

Có dịp đến hoặc đi qua tỉnh, thành phố nào, ông đều dành thời gian tìm kiếm một viên đá với nguyên tắc viên đá đó phải do chính tay ông lấy, phải ở trên đồi núi có những nơi di tích lịch sử văn hóa, những nơi mang nét đặc trưng riêng của địa phương đó. Bởi theo ông, như thế viên đá đó mới mang hồn đất đai của mỗi vùng quê.


Tấm bản đồ ghép bởi đá của 64 tỉnh/thành trong cả nước sắp được hoàn thành

Ông Minh ghi nhật ký từng chuyến đi, ngày giờ, địa điểm lấy đá trên 59 tỉnh, thành phố trong suốt hơn 10 năm qua. Viên đá ở nơi nào được viết tên tỉnh thành phố đó và được bảo quản cẩn thận.

Ông lên Phú Thọ lấy đá ở đất tổ Vua Hùng. Lên Thủ đô Hà Nội ông lấy đá ở gò Đống Đa – nơi ghi chiến công oanh liệt Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. Vào TP.HCM, ông lấy đá ở Thảo cầm viên - khu vui chơi giải trí được ra đời rất sớm.

Thăm Cố đô Huế, ông lấy đá ở khu vực lăng Vua Tự Đức - một vị vua sáng và còn là một nhà thơ. Vào Đồng Tháp, ông lấy đá ở khu vực mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, vào Nghệ An ông lấy đá trên núi Đại Huệ – những nơi yên nghỉ của thân phụ, thân mẫu Bác Hồ.

Tới Hải Dương, ông lấy đá ở Côn Sơn nơi thờ danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Ra vùng biển Quảng Ninh ông lấy đá ở núi Bài thơ vịnh Hạ Long - nơi Lê Thánh Tông khắc thơ lên đá.

Lên Lạng Sơn, ông lấy đá ở nơi nàng Tô Thị bồng con hóa đá chờ chồng. Đến vùng đất tận cùng Tổ quốc, ông lấy đá ở mũi Cà Mau. Qua Đà Nẵng ông dừng chân lấy đá trên đèo Hải Vân - một con đèo sơn thủy hữu tình bậc nhất từ Bắc vô Nam…

Xuống Cần Thơ, ông lấy đá ở bến Ninh Kiều thơ mộng. Vào Sóc Trăng ông lấy đá ở chùa Dơi - một ngôi chùa tiêu biểu của Phật giáo Khơ me. Thăm Phú Yên ông lấy đá ở núi Nhạn – vùng đất của văn hóa Tháp Chàm, thăm Quảng Nam ông lấy đá ở Di tích Mỹ Sơn – di sản văn hóa thế giới

Hà Tĩnh quê hương, ông lấy đá ở ngã ba Đồng Lộc - một trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ, một địa danh anh hùng trên tuyến đường Bắc - Nam những năm đánh Mỹ; Lâm Đồng quê hương thứ hai của ông, ông lấy đá trên đỉnh Langbian huyền thoại.

Thái Bình, mảnh đất không vảy núi ông lấy viên ngói cổ ở chùa Keo – công trình kiến trúc có gác chuông nổi tiếng…

Các nước bạn xung quanh, ông lấy đá ở hang Bích Động - Bằng Tường - Trung Quốc, lấy mảnh ngói cổ ở chùa Vàng Thái Lan, lấy đá ở cửa khẩu Lào - Việt và cửa khẩu Campuchia - VN.
Đến cuối năm 2004, ông đã sưu tập được 59 viên đá ở 59 tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng thời bắt tay vào việc xây dựng “Bộ sưu tập đá các tỉnh Việt Nam” trên tấm bản đồ VN.

12 năm... vẽ bản đồ đá

Việc đầu tiên là ông vẽ tọa độ VN, tọa độ các tỉnh thành phố theo bản đồ chuẩn. Riêng việc này phải hơn một tuần lễ mới xong. Công việc khó khăn đòi hỏi kỹ thuật, sự kiên trì, óc thẩm mỹ, sự khéo léo là làm sao mài, đẽo được các viên đá giống với địa danh các tỉnh thành và gắn được chúng lên đó.

Ông Minh quyết định mua bộ đồ nghề gồm máy mài, máy khoan, cưa, đục… và dành một góc nhà làm nơi thi công. Để có thể mài, đục, đẽo đá ông phải đến học các thợ lành nghề. Để gắn được các viên đá lên mặt gỗ dựng đứng một cách chắc chắn bền lâu, ông mày mò pha chế được một hợp chất đặc biệt.
Là một kỹ sư, làm quản lí 40 năm, quen cầm bút, nay cầm máy mài, máy khoan, cưa, đẽo đá quả là rất khó khăn. Gần 4 tháng ròng, ngày ngày ông mài, đục, khoan, cắt tạo dáng cho từng viên đá.
Ông tâm sự, phải làm để mỗi viên đá của mỗi tỉnh thành giữ được vẻ tự nhiên hài hòa trong bộ sưu tập. 59 viên đá của 59 tỉnh, thành phố đã đứng bên nhau tạo thành một tấm bản đồ bằng đá tự nhiên.

Thủ đô Hà Nội và thành phố mang tên Bác, ông lắp thêm hai bóng điện đỏ. Khu vực biển đảo, ông sơn màu xanh còn các nước xung quanh ông để nguyên màu gỗ và đặt viên đá của nước đó lên. Tấm bản đồ được đóng khung, lắp bánh xe có thể di chuyển dễ dàng.
Sau 12 năm sưu tập, nay ông Minh đã hoàn thành tâm nguyện bộ sưu tập đá. Được hỏi về 5 tỉnh và một số đảo chưa sưu tập được, ông Minh tâm sự: Tôi có thể nhờ bạn bè gửi về nhưng tôi không làm như vậy bởi tôi đã đề ra nguyên tắc tới tận nơi, tận tay mình lấy; thời gian tới tôi cố gắng sưu tập tiếp, còn nơi nào không tới được tôi trao nhiệm vụ lại cho con cháu mình.